Xã hội
Tìm giải pháp cứu doanh nghiệp 'đói' vốn

(VEF.VN) - Trong điều kiện lãi suất vay trên 20%, chỉ một số ít công ty mới có thể có hiệu quả kinh doanh cao có thể vay được; hoặc phải chấp nhận lãi suất vay cao trong ngắn hạn. Với vai trò dẫn dắt của mình, Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Tín dụng dễ dãi và lạm phát

Trong mấy năm qua, tình hình vay tín dụng trong nước có nhiều nới lỏng, thủ tục khá dễ dãi. Theo Báo cáo năm 2011 của Công ty tài chính quốc tế IFC thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới, thứ hạng tín dụng của Việt Nam trong so sánh trên thế giới đã tăng từ thứ 30 lên thứ 15. Nhưng tín dụng dễ dãi không đồng nghĩa với việc sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả. Một số doanh nghiệp đã dùng vốn vay "dễ" để thực hiện các dự án có hiệu quả không chắc chắn, kể cả đầu tư vào địa ốc và thị trường chứng khoán. Một số không nhỏ trong số này có tính chất đầu cơ chứ không phải đầu tư dài hạn.

Có thể nói, thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Dường như tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào vốn vay, do đó tăng nợ chứ không phải tăng vốn, khi nền kinh tế chỉ có tỷ lệ tiết kiệm dưới 30% GDP nhưng đầu tư luôn đạt khoảng 41-42% GDP mỗi năm. Số chênh lệch khoảng 10% GDP phải xử lý thông qua vay nợ trong và ngoài nước, làm cho tổng dư nợ quốc gia và dư nợ của Chính phủ cũng đang ở mức đáng báo động.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ do khả năng tích lũy thấp, nên các phương án đầu tư thường cũng chủ yếu dựa vào vay tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng dưới nhiều hình thức.

Tính đến hết năm 2010, dư nợ cho vay phi sản xuất chiếm 18,7% tổng dư nợ toàn ngành, trong khi sản xuất "đói" vốn

Một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào tăng nợ chứa đựng những bất ổn, trong đó kể cả đối với doanh nghiệp và cũng như với nhà nước. Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse, ông Jose Isidro N. (Lito) Camacho, tại Hội nghị ADB vừa qua cho rằng: "Bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao cũng đi đôi với rủi ro".

Vì thế, nhìn chung tốc độ tăng dư nợ tín dụng lên cao quá mức đang làm cho tổng phương tiện thanh toán M2 tăng lên nhanh chóng, gây nguy cơ lạm phát cao cho nền kinh tế[1].

Ngân hàng và tín dụng thắt chặt

Trước những diễn biến xấu của thị trường trong và ngoài nước, gây lạm phát cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với hàng loạt giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, mọi giải pháp đều có tính hai mặt của nó. Nghị quyết 11 nêu rõ, cần thực hiện tín dụng chặt chẽ, nhất là với chứng khoán và địa ốc, đồng thời lại khuyến khích các tín dụng phục vụ sản xuất trực tiếp, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%. Đây là quyết sách quan trọng, nhưng không thực hiện nhanh được do một số khoản vay tiếp tục đến kỳ giải ngân. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tích cực giảm tín dụng cho các lĩnh vực phi sản xuất, mua sắm hàng xa xỉ,...

Tuy nhiên, đến đầu năm 2011, nhiều ngân hàng chủ yếu vẫn là cho vay phi sản xuất. Chẳng hạn như, Ngân hàng Phương Tây có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tới 52,2%; ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cũng có mức dư nợ cao 47%; ngân hàng TMCP Đông Nam Á 21%, ngân hàng TMCP Nam Việt 41%,... Nếu nay thắt chặt nhanh tín dụng có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng này.

Nhìn tổng thể, theo báo cáo của NHNN, tính đến hết năm 2010, dư nợ cho vay phi sản xuất khoảng 431.000 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ toàn ngành, trong đó, 18 ngân hàng có dư nợ lĩnh vực này từ 25% trở xuống (tính trên tổng dư nợ của ngân hàng); còn là 24 ngân hàng có dư nợ từ 25% trở lên. Điều nghiêm trọng là, đến cuối tháng 12/2010, dư nợ của năm ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, MHB, Vietinbank, BIDV và Vietcombank) là 1.097.302 tỷ đồng, chiếm 58% dư nợ của cả hệ thống ngân hàng thương mại trong nước; riêng dư nợ của Agribank đã chiếm 53% dư nợ của 37 ngân hàng TMCP còn lại.

Những con số này đã nói rõ là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam có nguồn gốc từ chính các ngân hàng lớn nhất.

Tuy nhiên, khi thắt chặt tín dụng, thì các dòng tiền chảy vào ngân hàng cũng khan hiếm, nhất là các ngân hàng nhỏ, thanh khoản kém. Do vậy, các ngân hàng đã phải nâng cao lãi suất huy động, và vì thế lãi suất cho vay cũng tăng cao. Khi NHNN ấn định trần lãi suất huy động không quá 14%, thì thực tế, do "khát" vốn, nhiều ngân hàng đã có những thủ thuật để lách, đưa lãi suất huy động lên trên 14% khá nhiều, đến 17-18%. Hệ quả là lãi suất cho vay đã bị nâng lên trên 20%, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Nỗi khó khăn về vốn của DN vừa và nhỏ

Một khi lãi suất được dâng cao, mọi doanh nghiệp đều phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh của mình. Nhưng bản chất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức là quy mô vốn nhỏ, tuy cộng đồng doanh nghiệp này có thể tham gia thu hút nguồn lao động đa dạng và sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên vốn sản xuất và doanh thu đều thấp, chỉ đạt bình quân 2-3%, so với mức 4-6% chung của cả nước.

Theo điều tra của Bộ KH&ĐT, có tới 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay.

Cũng theo điều tra thống kê hằng năm với các doanh nghiệp mấy năm gần đây (2006-2008), có đến 30% (năm 2006), 28% (năm 2007) và 26% (năm 2008) doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài nhà nước bị lỗ.

Vậy trong điều kiện lãi suất vay trên 20%, chỉ một số ít công ty mới có thể có hiệu quả kinh doanh cao có thể vay được. Để hoàn thành công trình đầu tư và dự án dở dang, một số doanh nghiệp đành chấp nhận lãi suất vay cao trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung, nhiều doanh nghiệp khó trụ được lâu dài với mức lãi suất cao này.

Hơn nữa, các điều kiện cho vay của các ngân hàng cũng rất khó khăn [2] để tiếp cận nguồn vốn, dù lãi suất cao. Theo điều tra của Bộ KH&ĐT, có tới 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay, nên dầu tư và kinh doanh cầm chừng và 1/3 tuy có tiếp cận được nhưng gặp khó khăn. Vậy giải pháp là gì?

Trước hết, với vai trò dẫn dắt của mình, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu phụ thuộc và bản chất của dự án có khả năng thu hồi vốn và mang lại hiệu quả xã hội.

Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, việc bảo lãnh tín dụng vẫn được tiếp tục và trở thành một chức năng của ngân hàng bên cạnh việc cho vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Việc chọn đối tượng bảo lãnh chủ yếu là các DN nhỏ và vừa là phù hợp với năng lực của ngân hàng cũng như thực tế yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước cần căn cứ vào tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát để từng bước hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường, vì điều này mang lại lợi ích dâu dài cho nền kinh tế.

Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên khống chế trần lãi suất cho vay và từng bước hạ xuống để các doanh nghiệp có điều kiện lực chọn các phương án sản xuất kinh doanh thích hợp nhất, nhằm duy trì và phát triển sản xuất. Hơn hết, các công cụ kinh tế cần được sử dụng nhiều hơn để hướng ngân hàng vào các khoản vay mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp, vấn đề là cần lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp hơn với điều kiện vay vốn khó khăn để bảo đảm hiệu quả kinh doanh, bởi lẽ đến 70% doanh nghiệp còn dựa chủ yếu vào các nguồn vốn vay. Do đó, với các nguồn vốn vay lãi suất cao hiện trên 20%, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương án đầu tư và kinh doanh có hiệu quả cao nhất để có thể sử dụng các nguồn vốn này, hoặc tạm thời sử dụng một số vốn vay lãi suất cao để mua các trang thiết bị cần thiết nhất, tránh đầu tư tràn lan.

Với đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh đang sử dụng nhiều cách thức, biện pháp được để tháo gỡ như kêu gọi liên doanh, liên kết giữa các thành viên trong hội để đầu tư vào các dự án khả thi; giới thiệu để các thành viên của hội vay vốn ngân hàng như lãi suất hiện nay nhưng được trả nợ theo cách thức khác nhau phù hợp với điều kiện từng doanh nghiệp. Cũng nên huy động thêm các nguồn vốn khác từ nội bộ cán bộ nhân viên của doanh nghiệp và các hình thức liên kết khác để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, với những ưu đãi nhất định dành cho họ lâu dài sau này.

Thiếu vốn cộng với tình trạng vốn giá cao như hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là một vấn đề mang tính hai mặt. Một mặt, nếu xét trong ngắn hạn sẽ là khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng mặt khác, nếu xét trong dài hạn, có lẽ lại là "động lực" giúp doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp để cấu trúc và sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Những vấn đề này sẽ được các CEO, các CFO của các doanh nghiệp lớn Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn và tài chính đến từ các tổ chức tư vấn, tổ chức tài chính hàng đầu trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ tại Hội nghị thường niên Vietnam CFO Summit năm 2011 do Vietnam Report và báo VietNamNet phối hợp tổ chức ngày 10/6/2011 tại khách sạn Sheraton, Hà Nội với chủ đề "Tối ưu hoá cấu trúc vốn và hiệu quả huy động vốn - Tận dụng cơ hội bứt phá trong giai đoạn bất ổn".

Chi tiết chương trình tham khảo tại www.vietnamreport.net.

[1] Bên lề Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3/5 đã ghi nhận nhiều cảnh báo của giới chuyên gia trong và ngoài nước với tình hình tín dụng luôn tăng cao tại Việt Nam thời gian qua. Tại Hội nghị, Thống đốc NNHH Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến nay, tổng dư nợ của hệ thống tín dụng đang bằng khoảng 1-2 lần GDP Việt Nam. So với các nước, tỷ lệ này là khá cao, một số nước chỉ khoảng 0,6-0,7 GDP. Nguyên nhân, theo Thống đốc, do đây là kênh chủ yếu cấp vốn cho nền kinh tế.

Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse, Ông Jose Isidro N. (Lito) Camacho cũng nhấn mạnh rằng: "Nếu các tổ chức tín dụng hướng sản phẩm cho vay, tín dụng vào khu vực sản xuất chứ không phải những lĩnh vực mang tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản thì tôi nghĩ rằng họ có thể trụ vững được".

[2] Các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành cho rằng, vướng mắc khi vay vốn sản xuất, kinh doanh, tập trung vào thủ tục vay vốn còn rườm rà, nhất là thủ tục tín chấp, quy định về chứng thư bảo lãnh; thời hạn cho vay vốn đối với các hộ sản xuất nông nghiệp có những điểm chưa phù hợp với chu kì sản xuất; nguồn vốn vay trung và dài hạn còn thiếu...

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam