Cả về lý thuyết và thực tế đều cho thấy, trần lãi suất cần được thiết lập dựa chủ yếu vào mức lạm phát thực tế và chi phí hoạt động tối thiểu của ngân hàng. Đồng thời, cần tùy theo mục tiêu quản lý dòng vốn tín dụng xã hội tại thời điểm xác lập trần lãi suất.
Lãi suất cho vay quá cao khiến DN trở nên nghẹt thở, giảm khả năng cạnh tranh
(ảnh: Xí nghiệp cơ khí Bình Minh tại Thái Bình)
Cụ thể, trần lãi suất cần bảo đảm nguyên tắc thực dương, tức theo trình tự sơ đồ sau: Mức trần lãi suất cho vay cao hơn trần lãi suất huy động; đồng thời, mức trần lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát thực tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có tính độc quyền và đầu cơ vốn cao, cần duy trì và khống chế cả hai loại trần, nhất là trần lãi suất cho vay và gia tăng kiểm soát vĩ mô nhằm hạn chế tình trạng buôn bán vốn lòng vòng và tập trung cho vay rủi ro vào lĩnh vực phi sản xuất, từ đó giúp cải thiện nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, cũng như giảm thiểu nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc dỡ bỏ trần lãi suất cho vay sớm, trong khi giữ và khống chế trần lãi suất huy động thấp hơn mức lạm phát, khiến các ngân hàng đứng trước cả hai sức ép với tất cả các hệ lụy tiêu cực.
Một mặt, các ngân hàng chịu sức ép cạnh tranh sức hấp dẫn nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động. Do mức lãi suất huy động trần danh nghĩa thấp, không tuân theo nguyên tắc lãi suất thực dương, khiến các ngân hàng luôn phải tìm các chiêu “lách luật, lách trần”, tạo sự căng thẳng khả năng thanh khoản, buôn bán vốn long vòng, thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động tín dụng; tức gây cảnh “mất nhiều hơn được” trong theo đuổi các mục tiêu điều hành lãi suất của NHNN.
Mặt khác, các ngân hàng chịu sức ép tìm kiếm khách hàng đủ sức chịu lãi vay cao, khiến dòng vốn tín dụng ngân hàng bị dồn tụ, tập trung thái quá bất chấp nguyên tắc an toàn vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất. Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết năm 2010, nhiều ngân hàng chủ yếu vẫn cho vay phi sản xuất. Chẳng hạn như, Ngân hàng Phương Tây có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tới 52,2%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cũng có mức dư nợ cao 47%; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á 21%, Ngân hàng TMCP Nam Việt 41%,... Tổng dư nợ cho vay phi sản xuất toàn ngành ngân hàng khoảng 431.000 tỉ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ toàn ngành, trong đó, 18 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất từ 25% trở xuống; còn là 24 ngân hàng có dư nợ từ 25% trở lên. Đặc biệt, dư nợ của 5 ngân hàng thương mại nhà nước (AgriBank, MHB, VietinBank, BIDV và VietcomBank) là 1.097.302 tỉ đồng, chiếm 58% dư nợ của cả hệ thống ngân hàng thương mại trong nước. Việc tập trung trứng vào một giỏ kiểu đó khiến rủi ro tín dụng gia tăng và chủ trương tập trung cho vay sản xuất, nhất là cho vay tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, cũng như cho vay DNNVV sẽ chỉ là lời hiệu triệu tốt đẹp hay an ủi tinh thần cho những người trong cuộc mà thôi. Hơn nữa, lãi suất cho vay quá cao khiến hệ thống DN trở nên nghẹt thở, mất khả năng cạnh tranh, nguy cơ thu hẹp sản xuất, vỡ nợ và giãn thợ, tạo sức ép xã hội tăng cao đang ngày một đậm nét...
Trong thời gian tới, do mức lạm phát cao trên thực tế và bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương để chống lạm phát tiền tệ, cũng như do sức ép thanh khoản của các ngân hàng (nhất là các ngân hàng vừa và nhỏ), cả do mặt trái tác động của việc thu hẹp thị trường vốn bằng vàng và USD khiến gia tăng cầu về tín dụng bằng VND, nên nhu cầu duy trì lãi suất tín dụng bằng VND ở mức cao vượt trần 14% của hệ thông ngân hàng sẽ còn tiếp tục ít nhất đến hết quý III/2011 trước khi có dấu hiệu cải thiện hạ dần lãi suất tín dụng ngân hàng thương mại do sức ép lạm phát dịu dần trong thời gian tới.
Thực tế cũng cho thấy, do các chiêu “lách” trần lãi suất huy động trở nên phổ biến và cả do nâng lãi suất liên ngân hàng qua đêm lên 15%, nên cần nâng thêm và mềm hóa mức trần lãi suất huy động.
Tóm lại, xác lập trở lại trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động, điều hành mềm dẻo có nguyên tắc để từng bước tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn cả hai loại trần lãi suất là việc cần làm và làm tốt hơn trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội mà Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã nêu.
TS Nguyễn Minh Phong
Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội