Xã hội
"Siết" nhập khẩu để lành mạnh thị trường ôtô

Lấy kinh nghiệm từ bài học xe Toyota lỗi chân ga, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Bộ Công Thương cho rằng, việc bổ sung thêm các quy định nhập khẩu ôtô như Thông tư 20 là nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Bên lề cuộc họp giao ban về tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm của bộ Công Thương chiều 26/5, ông Nguyễn Thành Biên đã chia sẻ quan điểm của Bộ về vấn đề thực hiện các quy định nhâp khẩu ôtô.

Thưa ông, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã có đơn kiến nghị tập thể lên Bộ, Thủ tướng về thông tư 20 của bộ Công thương là "khai tử" đối với các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu, ông có ý kiến thế nào về kiến nghị này?

Ông Nguyễn Thành Biên: Tôi chưa nhận được văn bản đó của các nhà nhập khẩu ô tô, cũng chưa nhận được kiến nghị nào phản ứng về Thông tư 20. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp và các định chế về thông tư này.

Với việc ban hành Thông tư 20, tôi xin khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương là không hạn chế thương mại, không đưa ra để khống chế về số lượng, định lượng cũng như các quy định trái với yêu cầu của WTO. Bộ chỉ đưa ra các yêu cầu quy định để làm lành mạnh hóa thị trường ôtô, tăng chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn giao thông.

Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với hàng nhập khẩu là yêu cầu không phải chỉ Việt Nam đặt ra, các nước lớn cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe với hàng Việt Nam nhập vào nước họ. Ví dụ như mặt hàng lâm sản, các nước cũng đòi hỏi gỗ khai thác từ đâu, từ rừng tự nhiên hay rừng trồng, trồng bao giờ, có được phép khai thác không, hay nguồn gốc thủy sản nuôi ở ao nào, hồ nào. Với hoa quả Việt Nam, Trung Quốc cũng truy xuất nguồn gốc như trồng ở vườn nào, ai là chủ?

Những yêu cầu mà chúng ta đã đưa ra với ôtô nhập khẩu rất là tối thiểu nhưng trong thời gian vừa qua, chưa được  thực hiện một cách nghiêm túc.

Ví dụ vừa qua, nhiều xe Toyota nhập khẩu vào Việt Nam, thuộc chủng loại bị lỗi dính chân ga, ở nước ngoài phải thu hồi hàng triệu xe, nhưng ở Việt Nam, công ty Toyota Việt Nam lại bảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó nên cũng không bảo hành, sửa chữa gì xe đấy.

Các nhà nhập khẩu ôtô thì không có điều kiện để sửa chữa, chỉ nhập khẩu thuần túy, có phương tiện bảo hành bảo dưỡng gì đâu. Vậy thử hỏi quyền lợi của khách hàng để đâu trong trường hợp này, ai chịu trách nhiệm về an toàn giao thông?

Với mặt hàng ôtô, ai có điều kiện kinh doanh thì buộc phải đáp ứng những yêu cầu của Nhà nước. Cái này đã nói rất rõ trong Luật bảo vệ người tiêu dùng, điều 21. Đối với các phương tiện trong nước đã áp dụng từ lâu, trong khi xe nhập khẩu lại chẳng có ai chịu trách nhiệm cả.

- Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng để đáp ứng điều kiện của Thông tư 20 đưa ra thì tới ngày 26/6 này, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phá sản. Vậy trước khi ban hành, bộ Công Thương đã có rà soát thế nào về năng lực "đáp úng" các điều kiện nhập khẩu như Thông tư 20?

Theo Thông tư 20 của Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5, kể từ ngày 26/6/2011, các doanh nghiệpnhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có thêm Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải nộp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Ông Nguyễn Thành Biên: Theo tôi biết, ước cả nước có khoảng 1700 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, mỗi năm nhập khẩu 30.000 xe, như vậy mỗi năm một doanh nghiệp nhập khẩu chưa đến 20 chiếc xe, tức mỗi tháng nhập khoảng 2 chiếc xe. Con số này chứng tỏ thị trường ôtô phát triển quá manh mún.

Trong những năm gần đây hoạt động nhập khẩu cũng trở nên quá manh mún, đến mức "không làm gì thì đi làm nhập khẩu". Mỗi doanh nghiệp nhập khẩu 2chiếc/tháng thì không nói lên điều gì, giải quyết gì về tăng thu ngân sách, công ăn việc làm mà chỉ là mục đích thương mại thuần túy.

Việc doanh nghiệp ra đời và tham gia thị trường quá lớn với dung lượng thị trường rất vừa phải, thì sự điều tiết lại là cần thiết. Tiến tới giai đoạn có những nhà nhập khẩu phân phối bảo trì bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, không chỉ sản phẩm mà còn dịch vụ hậu mãi, nhất là những mặt hàng không chỉ liên quan đến chính người sử dụng mà còn liên quan đến những người tham gia giao thông.

Chúng ta phải sàng lọc, giảm bớt đầu mối nhưng tăng chất lượng dịch vụ, để nguồn gốc xe hợp pháp, rõ ràng.

- Để có được các giấy tờ chứng nhận theo Thông tư 20, các  doanh nghiệp cho rằng họ có quá ít thời gian chuẩn bị cho việc tìm hiểu và xin bổ sung các giấy phép?

Ông Nguyễn Thành Biên: Thủ tục hướng dẫn cho doanh nghiệp thì từ nay đến lúc thực hiện Thông tư vào ngày 26/6 là còn hơn 1 tháng. Chúng tôi đã phối hợp với bộ Ngoại giao để có hướng đẫn dối với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các thủ tục hợp thức hóa lãnh sự, còn đối với các thủ tục xin giấy chỉ định hoặc ủy quyền của nhà phân phối, nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn doanh nghiệp.

Đây chỉ là những thủ tục đơn giản trong các quy định thương mại. Nhà nước không khuyến khích bán những hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có bảo hành bảo dưỡng.

Ngày 24/5, hơn 50 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cùng ký tên vào đơn kiến nghị tập thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đề nghị tháo gỡ khó khăn khi phải thực hiện Thông tư 20. Theo các doanh nghiệp này, qui định của Thông tư 20 là thách đố các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích nhập xe cũ , dẫn tới nguy cơ đẩy giá xe ôtô tới đây tăng cao, làm lợi cho doanh nghiệp xe trong nước mà thực chất là các công ty nước ngoài đang sản xuất lắp ráp tại Việt Nam.

Hiện, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô theo hình thường kinh doanh thương mại thông thường chiếm 50% thị phần ôtô cả nước, còn lại là các nhà phân phối và nhà sản xuất xe thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VAMA.

Ôtô 9 chỗ ngồi chở xuống hiện là mặt hàng tiêu dùng thuộc danh mục hạn chế nhập khẩu nhằm kiểm soát nhập siêu. Năm tháng đầu năm, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 9 chỗ xuống tăng mạnh, đạt kim ngạch nhập khẩu là 233 triệu USD, với 17.997 xe, tăng 76,5% so với cùng kỳ năm 2010.