Đó là một trong những lưu ý mà ông Brett Krause, Trưởng nhóm công tác ngân hàng đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 27/5 tại Hà Nội.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ giữa kỳ tổ chức hôm 27/5 tiếp tục là một cuộc đối thoại thẳng thắn cởi mở giữa cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài và đại diện các thành viên Chính phủ Việt Nam.
Điểm mới ở Diễn đàn lần này là hầu hết, các doanh nghiệp đều ủng hộ Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhấn mạnh lựa chọn ổn định vĩ mô là một tuyên bố đúng đắn trong bối cảnh lạm phát đã gia tăng. Tuy nhiên, những vấn đề nút thắt cho sự phát triển như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thuế, thực thi sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính... vẫn tiếp tục được xới lên để phân tích, kiến nghị. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất, vốn, ngân hàng là những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất được các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Lạm phát cao, khó duy trì lãi suất thấp
Ông Brett Krause, Trưởng nhóm công tác ngân hàng cho rằng, một loạt các biện pháp đã áp dụng như tăng tỷ giá, thắt chặt nguồn cung tiền tê, áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND và USD, giới hạn hạn mức tăng tín dụng... thể hiện sự kiên quyết của Chính phủ nhằm xử lý tình trạng mất cân đối vĩ mô. Môi trường kinh tế hiện nay có thể sẽ là một bàn đạp cho sự cải tổ cứng rắn hơn, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Brett, Việt Nam phải lưu ý ở 3 vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đầu tiên là phải có những hướng dẫn minh bạch khi thực hiện Luật tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu suất thị trường, cải thiện niềm tin đối với tiền đồng và tăng tính thanh khỏan cho thị trường ngoại tệ.
 |
Lạm phát đang khoét sâu vào đói nghèo ở Việt Nam. |
Trưởng nhóm này cũng đề nghị Việt Nam cần xóa bỏ trần lãi suất tiền gửi liên ngân hàng, sớm thành lập tổ chức đánh giá xếp hạng độc lập để tăng tính minh bạch và hiệu quả hơn.
Trước những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ 2011, sẽ phải ban hành 46 Nghị định và thông tư hướng dẫn từ nay đến 2012. Đó là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi có sự thay đổi về chất.
"Do đó, chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là ngân hàng, cùng tham gia xây dựng các văn bản đó phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù ở Việt Nam", ông nói.
"Những vấn đề mà các vị nêu như tỷ lệ quản trị rủi ro, an toàn thanh khoản, thị trường ngoại hối, nghiệp vụ hoán đổi hay lập trung tâm thanh toán bù trù quốc gia... đều đã được chúng tôi tính đến. Việc thành lập công ty xếp hạng độc lập là một đề nghị chính đáng cần được Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, vì sự có mặt của tổ chức này sẽ không chỉ làm lành mạnh hơn hoạt động tài chính mà còn cho cả nền kinh tế", ông Bình bày tỏ.
Bên cạnh đó, vị Phó thống đốc này cũng chia sẻ thêm: "Khi bình ổn vĩ mô đương nhiên cũng phải trả giá nhất định. Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực đòi hỏi của doanh nghiệp như đòi hỏi tăng trưởng tín dụng cao hơn, lãi suất thấp hơn thì mới sản xuất, đó là đòi hỏi chính đáng nhưng giờ đây, đòi hỏi này phải được xem xét trong bối cảnh lạm phát".
"Chúng tôi không chấp nhận mặt bằng lãi suất cao nhưng cũng không chấp nhận một mặt bằng lãi suất quá thấp. Khi mà lạm phát đã ở mức 2 con số mà đòi hỏi lãi suất thấp thì là điều không thể. Đòi hỏi nền kinh tế cạnh tranh cao hơn, như trưởng nhóm ngân hàng phát biểu thì đây cũng là cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế.
Chúng tôi đảm bảo cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đảm bảo mức độ phát triển kinh tế ở mức hợp lý đối với Việt Nam trong giai đoạn sắp tới", ông nhận xét.
 |
Nhà đầu tư nước ngoài cần bằng chứng thuyết phục hơn trong cắt giảm đầu tư công, CPH các DNNN. |
Gần gũi với lĩnh vực ngân hàng là vấn đề thị trường, ông Dominic Scriven, trưởng nhóm công tác thị trường vốn chia sẻ: "Khi chúng tôi ngồi đây 6 tháng trước, nhóm chúng tôi đã chia sẻ thông điệp là yêu cầu xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tuy nhiên, lòng tin đó vẫn chưa được xây dựng lại.
Cần bằng chứng thuyết phục hơn về cắt đầu tư công
Mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực thông Nghị quyết 11, có kết quả bước đầu trong việc ổn định ngoại tệ, điều hành thị trường vàng, giảm tín dụng nhưng chúng tôi mong chờ một số bằng chứng thuyết phục hơn trong những lĩnh vực khác như đầu tư công, đặc biệt là cải cách DNNN, cổ phần hóa, là những lĩnh vực lâu nay chưa thấy tiến triển. Vấn đề xây dựng đường cong lãi suất cần phải phù hợp hơn".
Ông Dominic nói thêm, có 3 văn bản mà nhóm đã trông chờ khá lâu mà chưa thấy gì cụ thể là Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, quy định về giao dịch và quy định về quĩ mở.
Một vấn đề nóng khác cũng được cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nêu lên là vấn đề cơ sở hạ tầng. Ông Tony Foster, trưởng nhóm công tác cơ sở hạ tầng bày tỏ, từ nay tới 2020, Việt Nam cần 160 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng Chính phủ chỉ có khả năng huy động 100 tỷ USD và cũng chưa có cam kết nào về khả năng huy động vốn. Nguồn vốn FDI cũng chỉ thu hút trung bình 10 tỷ USD/năm.
Chính phủ sẽ cần bàn thảo kỹ hơn với khu vực tư nhân để có thể huy động nguồn vốn như vậy. Bộ KH&ĐT đã có nhiều dự án hợp tác công tư có thể sẽ là bước thay đổi lớn nhưng những ví dụ để mọi người nhìn thấy cơ chế này hiệu quả mức độ nào thì lại chưa có bằng chứng. Chúng ta vẫn chỉ có thể cảm nhận thôi.
Trong khi đó, theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu - EuroCham, ước hơn 50% số vốn cho hạ tầng ở Viẹt Nam sẽ phải huy động từ FDI và doanh nghiệp trong nước. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI còn ngần ngại đầu tư, vì e ngại tính minh bạch trong đấu thấu, chi phí giải phóng mặt bằng, rủi ro hiệu quả...
Ngoài ra, những vấn đề về thuế, luật giá, thủ tục hành chính... vẫn tiếp tục bị các doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn là chưa minh bạch, còn gây phiền toái. Nhất là khi mới đây, báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có nhắc đến con số 70% các doanh nghiệp FDI trả phí bôi trơn.
Trước những chia sẻ trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc bày tỏ sự ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của công đồng doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời, ông cũng khẳng định mong muốn tiếp tục nhận được nhiều đóng góp hơn nữa để giúp cho việc điều hành nền kinh tế ổn định và duy trì được tăng trưởng hợp lý.
Sau Diễn đàn này, ngày 9/6 tới, Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ giữa kỳ sẽ diễn ra chính thức ở Hà Tĩnh.ư
Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam