Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7) vừa được phê duyệt hôm 21/7, Việt Nam sẽ có sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh và tới năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh. Tổng vốn cho các mục tiêu này là cần 48,8 tỷ USD.
Năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ 8.500 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, tập đoàn đã lỗ 3.500 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ đó, EVN vẫn còn đang nợ các tập đoàn Than, Dầu khí tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng.
|
Khác với các quy hoạch trước, quy hoạch điện 7 được thực hiện trong giai đoạn mà ngành điện Việt Nam vào cuộc cải tổ mạnh nhất. Đó là thị trường điện cạnh tranh từng bước hình thành từ khâu phát điện, bán buôn điện và bán lẻ điện, cùng đó là giá điện sẽ phải theo thị trường. Ngoài ra, các cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch 7 cũng theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thủy điện vốn hay gặp rủi ro hạn hán, tăng cường nhiệt điện và năng lượng tái tạo.
Chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trong vai trò chủ trị họp báo đã chia sẻ các vấn đề nóng của ngành điện hiện nay.
Tăng giá là giải pháp quan trọng nhất
- Thưa ông, nhìn lại sự thất bại của quy hoạch điện 6, Bộ Công Thương rút ra được kinh nghiệm gì khi thiết lập và thực hiện quy hoạch điện 7?
Ông Hoàng Quốc Vượng: Ở quy hoạch điện 6, chúng ta mới chỉ thực hiện được 60% các dự án lưới điện và 70% các dự án nguồn điện. Do đó, số các dự án chậm tiến độ còn lại đã được chuyển sang thực hiện trong quy hoạch điện 7.
So với nhiều bản quy hoạch trước đây, quy hoạch điện 7 có nhiều điểm mới. Nổi bật nhất là việc chúng tôi đặt ra mục tiêu về giá điện phải theo thị trường, tới năm 2020, làm sao giá điện phải đạt mức 8-9cent/kWh. Đó là con số theo tính toán là chi phí biên trong điều kiện ngành điện hiện nay ở Việt Nam.
Một mục tiêu khác là phải phát triển thị trường điện minh bạch, công khai, tạo sự cạnh tranh, làm sao có động cơ cho các công ty điện hoạt động hiệu quả hơn.
Đặc biệt lần này, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương phải dành quỹ đất cụ thể cho các dự án điện. Số lượng dự án lưới điện, nguồn điện rất lớn. Khi kiểm điểm lại quy hoạch 6 vừa qua, một trong những nguyên nhân chính gây chậm trễ các dự án điện chính là do công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, việc giao địa phương chủ động quĩ đất để phát triển điện sẽ là góp phần khắc phục hạn chế này.

- Trong 10 năm tới, vốn thực hiện các mục tiêu phát triển điện là rất lớn, vậy phải chăng việc tăng giá điện sẽ là một giải pháp trong huy động vốn? Xin ông nói rõ hơn về cơ chế giá điện giai đoạn này?
Năm nay, như chúng ta đã biết, giá điện được điều chỉnh 1/3 tăng lên 15,28% với giá bình quân 1.242 đồng/kWh. Tuy nhiên, mức giá này không đủ khắc phục khó khăn tài chính của ngành điện, chưa đủ để EVN tại thời điểm hiện nay hoạt động có lãi.
Năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ 8.500 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, tập đoàn đã lỗ 3.500 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ đó, EVN vẫn còn đang nợ các tập đoàn Than, Dầu khí tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng.
Với giá điện hiện nay, tình hình kinh doanh của EVN và các đơn vị tham gia kinh doanh điện rất khó khăn. Rõ ràng, một trong giải pháp để thực hiện thành công quy hoạch điện 7 này thì cần phải có nguồn tài chính đáp ứng được. Mười năm đầu của Quy hoạch, mỗi năm Việt Nam cần gần 5 tỷ USD, 5- 10 năm kế tiếp, chúng ta cần khoảng 7 tỷ USD/năm.
Có nhiều giải pháp huy động vốn cho ngành điện nhưng giải pháp quan trọng nhất là làm sao để khắc phục vấn đề giá điện. Vì thế, quy hoạch điện 7 đã nêu tới 2020, giá điện Việt Nam phải đạt 8-9 cent/kWh, đảm bảo hoạt động của EVN.
Từ nay tới lúc đó, chúng ta có 10 năm để thực hiện lộ trình tăng giá điện. Ngay cả chúng ta tính giá điện hồi đầu năm với thông số đầu vào thực tế so với hiện nay là rất khác nhau. Suy cho cùng phát triển ngành điện cũng để phát triển xã hội.
Về chính sách giá điện, Chính phủ đã làm nhiều việc như ban hành cơ chế giá điện điều chỉnh thị trường, theo mốc 5%, cộng thêm với việc thị trường điện được hình thành thì tôi hi vọng một ngày nào đó, ngành điện sẽ có cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư bên ngoài, có lợi nhuận hợp lý để hoạt động.

Sẽ rà soát kỹ các dự án thuỷ điện nhỏ
- Thưa ông, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về vị trí độc quyền của EVN trong ngành điện, vậy quy hoạch mới sẽ đặt ra việc giảm dần sự độc quyền này, tách các nhà máy điện của EVN ra hoạt động độc lập như thế nào?
Hiện nay, EVN đang đầu tư 39 dự án với 27.000 MW, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư các dự án lớn.
Vai trò chính của phát triển điện lực vẫn là các Tập đoàn Nhà nước, đó là Tập đoàn Điện, Tập đoàn Than và Tập đoàn dầu khí. Bởi vì, các dự án ngành điện có đặc thù hơn các dự án hạ tầng khác, quy mô vốn lên tới hàng tỷ USD nên ba tập đoàn này phải gánh trách nhiệm chính trong việc đầu tư điện.
Các nhà đầu tư tư nhân được khuyến khích tham gia ngành điện, nhất là nguồn điện nhưng nếu các dự án lên tới hàng tỷ USD như nhiệt điện, họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, đang triển khai 11 dự án BOT chủ yếu là nhiệt điện làm.
- Thưa ông, trong tương lai nhiệt điện chiếm đa phần, vậy Bộ Công Thương đã tính toán thế nào về khả năng đảm bảo than cho điện?
Việc nhập than ở đâu, khí ở đâu là một bài toán lớn cần giải quyết trong thời gian tới. Hiện, các tập đoàn như Tập đoàn Than đang triển khai một loạt dự án phải nhập khẩu than ở nước ngoài, tích cực đàm phán nhập từ các nước như Indonesia... Bộ Công Thương xác định đây là việc liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng rất quan trọng.
- Vừa qua, các dự án tư thủy điện nhỏ bùng nổ chứng tỏ sự ủng hộ của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các dự này lại gặp nhiều khó khăn khi kết nối với hệ thống điện quốc gia. Vậy trong quy hoạch điện 7, việc phát triển thủy điện nhỏ được đặt ra như thế nào?
Nhiều nhà đầu tư trong nước làm thủy điện nhỏ như vừa qua là có lý do cả. Họ tích cực tham gia là vì cơ chế giá hấp dẫn, các nhà đầu tư đều kỳ vọng vào lãi thu được từ thủy điện. Đặc biệt, so với loại hình nhiệt điện thì vốn đầu tư cho thủy điện nhỏ rất thấp chỉ có 10 triệu USD cho một dự án.
Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế vừa qua, nổi lên một số vấn đề mà chúng tôi cần nghiên cứu lại ở quy hoạch 7. Có nhiều dự án thủy điện nhỏ cung cấp điện thì không nhiều trong khi tính cả chi phí đầu tư lưới, truyền tải thì suất đầu tư lại rất cao. Một số nhà máy thủy điện nhỏ lại gây ngập lụt, ảnh hưởng môi trường. Trong quy hoạch 7, Bộ Công Thương sẽ rà soát kỹ về thủy điện nhỏ làm sao để vẫn khai thác được tiềm năng thủy điện trong nước, khai thác hiệu quả mà không gây hệ lụy xấu tới môi trường.
Phạm Huyền (ghi)
Năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000 MW, trong đó: thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48,0%; nhiệt điện khí 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%); điện từ năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỷ kWh.
Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng, tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD, trong đó 66% là vốn cho nguồn điện và 33% vốn cho lưới điện.
Việt Nam phấn đấu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả điện năng, giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.
|