Xã hội
Doanh nghiệp Nhật dịch chuyển vào Việt Nam

(DĐDN) Theo khảo sát của Thời báo kinh tế Nikkei – một trong 5 tập đoàn truyền thông lớn nhất của Nhật Bản, hiện đang hình thành một xu hướng đầu tư rất mạnh mẽ của các DN Nhật Bản vào khu vực Châu Á, trong đó có VN. Ông K. Osada - Chủ tịch HĐQT, GĐĐH Thời báo kinh tế Nikkei cho rằng, xu hướng đầu tư vào VN của các DN Nhật Bản trong thời gian tới là các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, dịch vụ, phân phối sản phẩm và các ngành CN mới.

 

- Công nghiệp phụ trợ hiện đang là điểm yếu của VN. Cơ hội để thu hút DN Nhật Bản đầu tư vào VN về lĩnh vực này trong thời gian tới ra sao, thưa ông ?

Nhiều DN Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp như sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy đã đến VN từ nhiều năm nay, ví dụ Honda, Toyota... Tuy nhiên hiện nay, công nghiệp phụ trợ của các ngành này chủ yếu đang được DN Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc. Có một thực tế gần đây, kinh tế Trung Quốc không còn giữ được sự ổn định như trước vì thế DN Nhật Bản phải tìm kiếm các thị trường khác để phân tán rủi ro theo mô hình “Trung Quốc cộng một”.

VN là nước có nguồn lao động trẻ dồi dào, có chính sách thu hút đầu tư rất tích cực. Xét về mặt môi trường đầu tư VN có rất nhiều điểm thu hút. Đây chính là những yếu tố khiến các DN Nhật Bản rất quan tâm đến đầu tư sang VN. Và trên 60% DN được hỏi cho rằng, VN là địa chỉ hấp dẫn nhất về cơ sở sản xuất. Do đó, theo tôi thời gian tới, nhiều DN phụ trợ sẽ dịch chuyển sang VN. Không ít DN sản xuất, lắp rap ôtô, xe máy của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mở rộng sản xuất tại đây.

- Hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang là một trong những mối lo của Chính phủ VN, khi thu hút đầu tư nước ngoài. Giải quyết bài toán này hoàn toàn không đơn giản, thưa ông ?

Đây không chỉ là khó khăn của riêng VN. Tất cả các nước đang phát triển đều gặp phải hạn chế này. Các nguồn vốn ODA của Nhật Bản đầu tư vào VN trong những năm qua luôn ưu tiên đối với đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Hiện nay, Nhật Bản và VN đang cùng một mối lo thiếu điện. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các bạn những giải pháp trong việc tìm nguồn năng lượng mới sạch và bền vững hơn. Đây cũng là lĩnh vực tiềm năng của các DN Nhật Bản đầu tư vào VN.

- VN là quốc gia nhiệt đới, gió mùa. Việc sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản đang có nhiều lợi thế. Chính vì vậy, một trong những mối quan tâm hàng đầu của VN là biến lợi thế này thành động lực phát triển. Ông có thể đưa ra một số giải pháp trong lĩnh vực này?

VN đúng là có khá nhiều loại nông, lâm, thuỷ hải sản thế mạnh. Việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm trên sẽ giải quyết được cả bài toán về kinh tế và an sinh xã hội. Nhật Bản là quốc gia không có thế mạnh trong công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản ngoại trừ lĩnh vực chế biến các chế phẩm từ gạo, DN Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm. Do đó, DN của cả VN và Nhật Bản có thể phối hợp để phát triển lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tôi cũng đưa ra cảm nhận của riêng mình và một số khuyến nghị. VN có rất nhiều sản phẩm hoa quả có chất lượng tốt và đặc sắc, nhưng chỉ ai đến đây mới được thưởng thức. Thế giới chưa biết đến những sản phâm này. VN cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị các sản phẩm đặc sản này ra thế giới. Nếu làm tốt việc này, không chỉ bán được sản phẩm mà các bạn còn được cả hiệu ứng kép về du lịch, văn hoá, thu hẹp khoảng cách giữa VN và thế giới. Một số sản phẩm nông sản của VN như cà phê cũng rất ngon và xuất khẩu nhiều. Mỗi lần tôi tới VN đều thưởng thức và mua về dùng hoặc làm quà. Tuy nhiên, thương hiệu cà phê VN vẫn chưa được biết đến như đúng giá trị của nó. VN cần chú trọng, xây dựng và phát triển những gì mình đã có. Đây là những việc làm luôn luôn cần đẩy mạnh.

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phối hợp giữa DN Nhật Bản và VN ?

Nhật Bản và VN là hai quốc gia Châu Á có khá nhiều điểm tương đồng về văn hoá. Nhật Bản lại đang trong giai đoạn phục hồi và tái thiết sau thảm hoạ thiên tai. DN Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, trong đó có VN. Cơ hội để DN Nhật Bản và DN VN phối hợp cùng tham gia sản xuất kinh doanh đang mở rộng. DN VN nên nắm bắt kịp thời.

Chúng tôi đã và đang xúc tiến rất nhiều chương trình phối hợp của cộng đồng DN hai nước. Thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhiều hoạt động đang được xúc tiến mạnh mẽ. DN cả hai bên cần chủ động tìm kiếm cơ hội, xoá bỏ rào cản về địa lý, hợp tác cùng có lợi.

- Xin cảm ơn ông !

Bá Tú