
Trên cả lợi nhuận, điều các ông bầu luôn mong ước là một nền bóng đá VN phát triển sạch
Kể từ khi bóng đá VN chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, các đội bóng đã được hưởng lợi rất nhiều từ những ông bầu máu me bóng đá. Từ thuở chập chững với bầu Đức – Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL), bầu Thắng – Đồng Tâm Long An (ĐT.LA), bầu Kiên – Hà Nội ACB (HN.ACB) đến nay bóng đá VN đã gắn liền với tên tuổi các ông bầu cũng như DN của họ: bầu Kiên – Hà Nội ACB (HN.ACB), bầu Hiển – Hà Nội T&T và SNB Đà Nẵng (HN T&T và SHB.ĐN), bầu Long, bầu Tuấn – Hòa Phát Hà Nội (HP.HN), bầu Trường - Vissai Ninh Bình (V.NB), bầu Thụy – Sài Gòn Xuân Thành (SG.XT).
Từ đam mê
Làm bóng đá giàu hay không thì chưa ai dám nói, nhưng chắc chắn ở VN, giàu mới làm bóng đá. Minh chứng là những ông bầu của các đội bóng chuyên nghiệp đều là các “đại gia” sừng sỏ liên tục trong nhiều năm. Ngay trong Top 100 những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán VN năm 2010 do VnExpress.net công bố, người ta thấy có sự xuất hiện của tới 5 ông bầu. Dẫn đầu trong số các ông bầu là chủ tịch tập đoàn HA.GL Đoàn Nguyên Đức với vị trí thứ 2 trong Top 100. Cho dù thị trường chứng khoán đi xuống nhưng giá trị cổ phiếu HAG do bầu Đức đang nắm giữ vẫn tăng 400 tỷ đồng so với năm ngoái và đạt giá trị gần 11.900 tỷ đồng. Xếp sau bầu Đức trong Top 100 lần lượt là bầu Long (HP.HN) - xếp thứ 4, bầu Vũ (tài trợ giải hạng Nhất QG từ 2010-2012) - xếp thứ 22, bầu Kiên (HN.ACB) - xếp thứ 23, bầu Hiển (HN.T&T và SHB.ĐN) - xếp thứ 62 với tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán từ vài trăm cho tới vài nghìn tỷ đồng. Đấy là chưa kể đến những ông bầu khác dù không có mặt trong Top 100 những người giàu nhất trên TTCK, nhưng tổng giá trị tài sản cũng không hề thua kém như bầu Trường, bầu Thụy...
Trong số các ông bầu, ban đầu không phải ai cũng “chín chắn” khi bắt tay vào làm bóng đá nhưng họ luôn có ý thức vì sự phát triển của bóng đá VN – như một lý tưởng.
10 năm trước, bầu Đức nổi tiếng với những thương vụ lấy cầu thủ giỏi khoác áo tuyển quốc gia Việt Nam và Thái Lan để tạo nên một đội hình “Dream team” bách chiến bách thắng. Hồi ấy, ai cũng nói ông chỉ “mạnh gạo bạo tiền” vì những phong bì tiền thưởng cầu thủ sau mỗi trận thắng. Thế nhưng chỉ vài năm sau, từ suy nghĩ phải đổi mới mình và vì sự phát triển chung, bầu Đức tiên phong xây Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG để thỏa mãn thú chơi của mình không chỉ bó buộc phạm vi trong nước. Cái học viện như mô tả của bầu Đức là như khách sạn năm sao và những cầu thủ nhí VN sau bảy năm theo học sẽ thừa sức khoác áo đội tuyển quốc gia hoặc chơi bóng ở châu Âu.
Cùng với cách làm của HA.GL về đào tạo bóng đá trẻ, thay vì làm bóng đá theo cách của một số ông bầu hiện nay là vung tiền để đua chức vô địch thì bầu Long, bầu Tuấn (HP.HN) cũng đã âm thầm đầu tư vào công tác tuyển chọn vào đào tạo cầu thủ trẻ. Hòa Phát HN có đủ các lứa đào tạo trẻ như U.13, U.15, U.17 và U.19. Các đợt tuyển sinh của Hòa Phát HN trong nhiều năm qua luôn được tiến hành quy mô và rộng khắp ở nhiều tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, Hòa Phát HN đã khánh thành trung tâm VĐV của CLB tại Mỹ Đình với số vốn đầu tư lên đến cả trăm tỷ đồng. Khu trung tâm này được xây dựng gồm khách sạn 5 sao để cầu thủ ăn ở, 2 sân bóng đạt tiêu chuẩn châu Âu và hàng loạt các cơ sở vật chất hiện tại khác...
Còn ông bầu Võ Quốc Thắng thì may mắn “duyên” với HLV Calisto từ khi nhảy vào làm bóng đá. Nhờ tài thao lược của ông thầy người Bồ Đào Nha, ĐT Long An hai năm liền vô địch V-League với thương hiệu bóng đá sạch. Cũng có khi bầu Thắng bị trách móc là keo kiệt không chi nhiều vào thị trường mua bán cầu thủ nhưng ông chỉ cười và trung thành với tiêu chí làm bóng đá tử tế của mình. 10 năm sau trận chung kết Tiger Cup 1998 thua ấm ức Singapore, bóng đá VN đã vô địch Đông Nam Á với dấu ấn của Calisto, trong đó cái công lớn nhất là của bầu Thắng khi dám hy sinh quyền lợi của CLB mình vì bóng đá VN...
Đến trăn trở
Tuy nhiên, mọi thứ không phải toàn là màu hồng. Bóng đá chuyên nghiệp cũng đã và đang làm cho không ít ông bầu trở nên mệt mỏi, chán nản. Năm 2005, sau khi lên án tiêu cực, đội hạng Nhất Tôn Hoa Sen. Cần Thơ của bầu Vũ đã bị “đè ngửa” trong trận đấu play-off với LG.HN.ACB trên sân Chi Lăng dẫn tới việc ông bầu này bất mãn bỏ không đầu tư vào đội bóng nữa. Còn mới đây nhất, trải qua nhiều cuộc bàn thảo, ngày 7/9 tập đoàn Hòa Phát đã sớm hoàn tất thủ tục chuyển giao đội bóng, suất dự V-League, cơ sở vật chất cho Hà Nội ACB. Cái tên Hòa Phát HN đã chính thức bị xóa sổ dù Hòa Phát đã dồn không ít tâm huyết và tiền bạc trong suốt 8 năm tồn tại trên bản đồ bóng đá VN.
Theo lời ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch CLB Hòa Phát HN: “Dù không còn đầu tư vào đội bóng, nhưng trong giai đoạn chuyển giao tôi vẫn sẽ theo sát để các cầu thủ không cảm thấy hụt hẫng...” - lời chia sẻ của bầu Tuấn không chỉ toát lên sự tiếc nuối của riêng ông, mà cũng là sự tiếc nuối của người hâm mộ nói chung với bóng đá nước nhà.
Bầu Kiên tâm sự: Khi nghe hai người bạn thân là bầu Long, bầu Tuấn đòi bỏ bóng đá, tôi lo lắng lắm, sợ nhiều DN khác bỏ cuộc theo thì bóng đá VN sẽ chết. Suốt 10 năm làm bóng đá, ông hiểu rõ cuộc chơi ...
Theo các ông bầu, mục tiêu của họ đến với bóng đá không phải là để quảng cáo thương hiệu hay tên tuổi của mình. Như bầu Tuấn từng nói “Chúng tôi chơi bóng đá chứ không làm bóng đá, đến với bóng đá là xuất phát từ tình yêu chứ không vì những nguyên nhân vụ lợi”. Còn ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Tôi với anh Thắng đến với bóng đá từ sớm, mục đích là chỉ muốn bóng đá VN phát triển hơn. Ngày xưa, HA.GL đá với GĐT.LA, khán giả nườm nượp kéo nhau đến sân. Còn mùa vừa rồi, khán giả đến sân lèo tèo, khác một trời một vực!”.
Theo bầu Đức: “Tính chung tiền các CLB bỏ ra chia cho tổng số trận ở V-League thì mỗi trận bóng trị giá 3 tỉ đồng. Vậy mà không có người xem, không đẻ ra được đồng nào. Cách đây 5 năm, giải bóng đá Thái Lan thua ta, bây giờ thì khán giả bóng đá Thái đến đầy sân, trong khi đó CLB đầu tư đến 60-70 tỉ đồng/năm vào đội bóng”. Bầu Thắng cũng đồng tình với ý kiến này khi cho biết mỗi CLB Thái chỉ đầu tư 1 - 1,2 triệu USD/năm, trong khi các CLB VN đầu tư 3-4 triệu USD/năm mà chẳng đâu vào đâu...
Sau bao nhiêu năm “chơi” bóng đá, “làm” bóng đá, các ông bầu, các DN đã có những hành động cụ thể nhằm giúp bóng đá VN trở nên sạch hơn. Họ đã cố gắng rất nhiều, nhưng cũng chỉ làm được một phần nhỏ mà nguyên do là điều cơ bản để thực sự có bóng đá sạch lại không do họ quyết định. Vì vậy, tất cả những trăn trở của họ, ý tưởng ly khai V-League của bầu Kiên và các DN suy cho cùng cũng chỉ là mong ước về một nền bóng đá VN phát triển sạch. Và điều chắc chắn, những ông bầu giàu có trong tốp đầu của DN VN nếu không có cái “tâm” thì chắc chắn họ nghỉ chơi bóng đá từ lâu lắm rồi...
Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank: Mùa sau sẽ khác
Tôi sẽ cố gắng để sớm triệu tập cuộc họp có mặt của đầy đủ 14 câu lạc bộ chuyên nghiệp, 14 câu lạc bộ hạng nhất và các bộ phận quản lý. Về tổ chức và về trọng tài, tôi xin hứa chắc chắn sẽ có thay đổi để tạo sân chơi bình đẳng, chắc chắn đầy sức thuyết phục. Cái gì không đúng, chúng tôi sẽ tiếp thu các góp ý để sửa chữa. Báo chí và người hâm mô sẽ là người giám sát xem có thay đổi so với mùa trước không. Làm sao để người hâm mộ và các ông chủ tiếp tục ủng hộ bóng đá.
Theo DĐDN