
Giá áp dụng tại Hội sở chính NHTMCP Ngoại thương Việt Nam) ngày 25/9/2011
Nghe có vẻ hợp lý, nhưng không phải cứ DN và ngân hàng muốn, mà được.
Phụ thuộc đối tác
Theo một DN nhập khẩu linh kiện và ôtô nguyên chiếc phân phối tại địa bàn TP HCM, việc đa dạng hóa đồng tiền thanh toán đối với họ là bất khả thi. DN này kinh doanh ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Đức. Đối tác Đức yêu cầu DN nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng USD và không chấp nhận thanh toán bằng đồng Euro, mặc dù đây là đồng tiền thanh toán chung của các tổ chức kinh tế lẫn người dân Eurozone. Ngay cả việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô để bán cho người sử dụng khi cần bảo hành, thay thế thì tuy các mặt hàng không có nguồn gốc không truy xuất từ Đức mà là từ Trung Quốc, nơi hãng xe đặt cơ sở sản xuất, phía đối tác cũng vẫn yêu cầu DN thanh toán bằng ngoại tệ chỉ định đã ghi rõ trong hợp đồng. Tình trạng của DN nhập khẩu ôtô này, có thể nói cũng là tình trạng chung của nhiều DN xuất nhập khẩu VN hiện nay.
Ở cương vị nhà xuất khẩu, DN VN cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc chủ động đồng tiền thanh toán. Do phải trông cậy nhiều vào những thị trường đã dày công mới khai thác được, nên DN Việt thường chấp nhận nhường “quyền chọn” đồng tiền thanh toán cho đối tác. Giám đốc một chi nhánh của ngân hàng xuất nhập khẩu Eximbank cho biết nhìn chung, những DN có hợp đồng vay ngoại tệ tại chi nhánh đều vay USD, do nguồn thu ngoại tệ của DN cũng được đối tác trả bằng đồng USD, cho dù thị trường mà DN đổ bộ hàng hóa là Châu Âu, Châu Phi, thậm chí Trung Quốc. Ông Đặng Bình Minh - giám đốc một Cty TNHH xuất nhập khẩu Nông lâm sản tại Bến Tre, cho biết trong nhiều hợp đồng mà Cty xuất hàng đi, hai bên đều thỏa thuận đồng thanh toán bằng USD. Khi đồng tiền này dao động lên tới 5% thì DN mới có quyền điều chỉnh thỏa thuận thông qua đề xuất một đồng tiền thanh toán khác hoặc cộng thêm các chi phí vào giá thành.
Dĩ nhiên, không phải DN không biết cái lợi của việc đa dạng hóa đồng thanh toán, thay vì neo vào đồng USD. Khi DN xuất khẩu tiết kiệm được những chi phí trung gian, dòng tiền không phải đi qua nhiều ngân hàng trung gian và giảm bớt được các chi phí trực tiếp là các khoản báo nợ báo “có” tại các ngân hàng trung gian này; thì cũng là tiết kiệm được thời gian và đồng thời tiết kiệm cho đối tác, để nhà nhập khẩu có thể mua được hàng hóa với giá rẻ hơn. “Nhưng trong hầu hết mọi giao dịch xuất nhập khẩu, đối tác không đánh giá cao yếu tố giá rẻ so với yếu tố thanh khoản, đồng tiền thông dụng và dễ giao dịch với các đối tác khác. Trong các ngoại tệ mạnh, được nhiều quốc gia sử dụng cho dự trữ ngoại hối, thì USD vẫn là lựa chọn hàng đầu”, ông Minh nói.
Rủi ro từ các ngoại tệ mạnh
Ngoài tâm lý bạn hàng, bản thân DN VN cũng không dễ thay đổi và thích nghi với các đồng tiền mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nhiều nền kinh tế, gắn với các đồng tiền mạnh, đang biến động và bất ổn không dễ đoán trước.
Giả sử DN VN không dùng đồng USD thông dụng và thay thế bằng một ngoại tệ mạnh khác, như EURO, GBP, RMB, JPY..., liệu DN có giảm thiểu được rủi ro? Một chuyên gia cho rằng vào lúc này, điều đó thậm chí còn khiến DN dễ gặp rủi ro hơn. Theo ông này, hiện nay, nền kinh tế Châu Âu với cuộc khủng hoảng nợ công đang đưa một vài quốc gia đến bên bờ phá sản, khiến đồng Euro giảm giá mạnh. Mức giảm bao nhiêu còn phụ thuộc lớn vào mức độ suy thoái và khả năng đổ vỡ của khối Eurozone. “Lựa chọn đồng Euro để thanh toán lúc này có thể là... tự sát. Vì trong trường hợp khối Eurozone không thể cầm cự nổi với khủng hoảng nợ công, thì đồng Euro có khả năng sẽ thành... mất giá ngoài tưởng tượng!”.
Đối với đồng JPY, nhiều DN chưa quên “tấm gương” Cty CP Nhiệt điện Phả Lại thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do biến động tỷ giá JPY/VND vào quý 4/2008. Cuối năm 2009, rủi ro của khoản vay nợ hơn 34 tỷ Yen tiếp tục là nhân tố chính kéo lợi nhuận của Cty này đi xuống, khi thua lỗ tiếp 75,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là trường hợp lỗ phát sinh từ chênh lệch tỷ giá mà gốc là khoản vay nợ đồng Yen kéo dài. Còn trong nhiều trường hợp ký hợp đồng trực tiếp với đối tác Nhật, thanh toán bằng JPY là một điều khá thuận lợi cho DN Việt, nhất là vào lúc này khi đồng Yen đã tăng đến mức kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây, mặc dù sức mua nội địa Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau sự cố sóng thần và nhà máy hạt nhân hồi tháng 3 đầu năm. Tuy nhiên, trên thị trường VN, tỷ giá VND/JPY luôn có mức biến động cao hơn nhiều so với mức biến động của tỷ giá VND/USD. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cả DN lẫn ngân hàng đều không muốn sử dụng JPY trong các giao dịch thanh toán đầu tư, xuất khẩu...
Phần chìm của tảng băng
Theo chuyên gia kinh tế Hồ Quốc Tuấn, các báo cáo của Mỹ, Anh, Canada và Singapore đã cho thấy USD vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong các giao dịch ngoại hối. Nhìn vào thị trường ngoại hối Singapore - một thị trường ngoại hối lớn ở khu vực Đông Nam Á - USD liên quan đến hơn 70% số giao dịch giao ngay được thực hiện. Các giao dịch này bao gồm thương mại, đầu tư, đầu cơ, hỗ trợ thanh khoản... 70-90% sử dụng USD cũng là một tỷ lệ thông dụng tại các giao dịch tiền tệ, tài trợ vốn, vay vốn, thanh toán thương mại của hầu hết các NHTM VN và chi nhánh của các NH nước ngoài hoạt động trên thị trường VN.
Trong hầu hết mọi giao dịch xuất nhập khẩu, đối tác không đánh giá cao yếu tố giá rẻ so với yếu tố thanh khoản, đồng tiền thông dụng và dễ giao dịch với các đối tác khác.
|
Có thể nói ngắn gọn là đồng USD vẫn giữ vị trí hàng đầu là đồng tiền thanh toán quốc tế. Ở một số quốc gia như Argentina, Belarus, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia, đồng RMB của Trung Quốc cũng đã được sử dụng thanh toán song phương và nhiều quốc gia khác cũng đã bổ sung RMB vào quỹ dự trữ ngoại hối của mình... Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, RMB vẫn chưa phải là một đồng tiền tự do chuyển đổi.
Riêng tại VN, nhiều DN cho biết ngoại trừ xuất nhập hàng tiểu ngạch qua Trung Quốc có thể giao dịch bằng đồng USD hoặc RMB tùy theo điều kiện và thỏa thuận thanh toán của hai bên, còn những giao dịch chính ngạch thì các đơn vị đối tác Trung Quốc vẫn yêu cầu thanh toán bằng USD.
Trong những tháng vừa qua, với nhiều biện pháp nhằm chống đô la hóa nền kinh tế và ổn định tỷ giá sau đợt điều chỉnh mạnh hồi đầu năm, các ngân hàng và DN đã phần nào an tâm về sự ổn định của tỷ giá, đặc biệt với sự cam kết mới của Thống đốc NHNN là đến cuối năm 2011 tỷ giá nếu có điều chỉnh sẽ không thay đổi quá 1%. (Tỷ giá ở đây được hiểu là của cặp VND/USD, không bao gồm các cặp tỷ giá khác). Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đang nhích lên những tuần gần đây cho thấy sự ổn định tạm thời của thị trường ngoại hối vẫn mới chỉ là bề nổi. Còn phần chìm là rất nhiều yếu tố dẫn đến rủi ro tỷ giá vẫn đang chờ các DN ở phía trước, và cũng còn rất lâu DN VN mới có thể cải thiện được thế yếu khi làm ăn với các bạn hàng nước ngoài.
“Có lẽ phải còn lâu nữa DN VN mới thực sự tính được chuyện chủ động đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Bởi ngoài sự phụ thuộc đối tác và những cản trở trong tâm lý nội tại của DN, vấn đề đa dạng hóa thanh toán không hẳn là thuộc “quyền” của DN, mà nằm trong trong chủ trương tiền tệ của NHNN, việc quyết định neo VND vào một, hay một rổ ngoại tệ cơ bản, kéo theo là những cách thức, quy định trong sử dụng đồng tiền thanh toán tại các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cũng xét trên bình diện vĩ mô, thì các hiệp định thương mại song phương, đa phương trong quá trình ký kết phải được tính toán cân nhắc đàm phán những điều kiện thuận lợi, tạo hành lang thông thoáng và sự chủ động trong đồng tiền thanh toán cho DN VN khi “bơi” trên thị trường quốc tế”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn khẳng định.