Xã hội
Lãi suất liên ngân hàng: Khó phá kỷ lục !

(DĐDN) Trần lãi suất huy động 14%/năm và 6%/ tháng không đủ sức giữ chân các khoản tiền gửi của khách hàng, nhiều NHTM đã phải tìm đến thị trường liên ngân hàng với các khoản vay lãi suất cao, dù qua thị trường mở, NHNN cũng đã bơm ròng một lượng tiền trên 30.000 tỉ đồng kể từ đầu tháng 10 đến nay nhằm hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng.

 
 
 
Lãi suất bình quân liên ngân hàng (% năm) (Nguồn: SBV)

Hiện tại, sau nhiều tuần NHNN liên tiếp bơm tiền ra thị trường, LS cho vay trên thị trường 2 kỳ hạn 12 tháng đang có dấu hiệu giảm mạnh xuống dưới 14%/năm, nhưng LS các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng đồng loạt tăng từ 0,04% - 2,35% và đều ở mức trên 14,6%. Và với cam kết đảm bảo thanh khoản cho các NHTM từ phía NHNN, liệu lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn nóng bỏng trong những ngày tới?

Có cầu chưa chắc... có cung

Có thể nói cung và cầu trên thị trường liên NH hiện tại không dễ gặp nhau. Một số NHTM nhỏ thiếu thanh khoản, đã tìm cách bù đắp bằng các khoản vay kỳ hạn ngắn trên thị trường 2. Đó cũng là cơ hội cho các NH lớn kinh doanh vốn.

Chỉ hai ngày sau khi NHNN tăng lãi suất (LS) tái cấp vốn và LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH, LS cho vay trên thị trường liên NH - nơi các NH vay mượn lẫn nhau - đã nóng lên đáng kể. Từ ngày 11- 20/10, vỏn vẹn chừng 10 ngày, LS cho vay kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng trên thị trường này đã tăng khoảng 20%.  Có thời điểm, LS chào cho vay kỳ hạn 1 tuần lên tới 30%, cao hơn 16% so với LS huy động vốn kỳ hạn 1 năm tại thị trường dân cư và tổ chức kinh tế, còn LS cho vay kỳ hạn 1 tháng tới 40%, cao hơn 26%/ năm so với LS thị trường 1.

Dĩ nhiên là có cần thì các NHTM mới gồng mình chịu mức LS có thời điểm lên đến. Nhưng ngay cả với những NHTM nhắm mắt liều mạng vay LS cao, cũng không phải lập tức được NHTM lớn cho vay. Sau sự việc liên quan đến ngân hàng Công thương, nhiều NHTM lớn đã đòi hỏi các NHTM nhỏ phải có tài sản thế chấp cho các khoản vay trên thị trường 2, và những yêu cầu ngặt nghèo khiến các NH đang “đói” thanh khoản càng rơi vào bị động.

Lý của người vay và người cho vay

Giải thích lý do vì sao phải “vay nóng” trên thị trường 2, Tổng giám đốc một NHTM cho rằng đó là chuyện bình thường trong kinh doanh NH. Ông không tiết lộ trong những ngày qua, NH này đã vay bao nhiêu, với mức LS nào từ các NH bạn, nhưng lại nêu ra vô số lý do, như: Phải đảm bảo dự trữ bắt buộc, phải đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoài dự kiến, phải tài trợ dự án lớn... Và theo ông thì không chỉ NHTM có trụ sở lớn trên đường Trần Hưng Đạo (Quận 1-TP HCM) này mà ở nhiều nhà băng khác trên cùng địa bàn, trong ít ngày qua, cũng đã bị “rút ruột” một khoản lớn tiền mặt, chảy sang các kênh khác như ngoại tệ, vàng...

Ghi nhận của phóng viên tại một số phòng giao dịch bao gồm cả Vietcombank, Techcombank, Sacombank, Agribank, PGBank... trên đường Phan Xích Long, Quận Phú Nhuận cũng cho thấy trong những ngày qua, lượng khách giao dịch đã tăng lên đột biến. Nhiều nhân viên giao dịch tại các chi nhánh, phòng giao dịch ở đây thừa nhận lượng khách đột biến chủ yếu đến rút tiền gửi đáo hạn, có những khách hàng thậm chí không đợi đến đến ngày đáo hạn mà yêu cầu được lĩnh tiền trước hạn, chấp nhận hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và chuyển tiền qua các dạng tài sản khác. “Một khi LS giữa các NH đã ngang nhau thì bao giờ người gửi tiền cũng có xu hướng rút tiền ở các NH nhỏ ra gửi ở các NH lớn, hy vọng là an toàn hơn, hoặc gửi tiền vào các chi nhánh gần nhà, gần cơ quan để thuận tiện giao dịch”, chị Huyền Thanh, giao dịch viên của một NHTM cho biết.

Khảo sát của PV tại các điểm giao dịch này cũng cho thấy thông tin “NHNN khuyến khích và tiến tới sẽ bắt buộc (?)  các NH sáp nhập, hợp nhất và mua lại lẫn nhau, không loại trừ quy mô NH lớn hay nhỏ”, khiến khách hàng yên tâm và tin tưởng vào việc NHNN sẽ giữ vững sự ổn định của hệ thống NH, nhưng vẫn có nhiều người hoang mang và chọn phương án rút tiền ra khỏi NH, mua vàng, mua ngoại tệ để bảo toàn vốn hoặc tránh những rắc rối hợp đồng, thủ tục có thể xảy ra khi rút tiền sau này.

Báo cáo hoạt động quý III/2011 của NHNN cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 23/9/2011 tăng 9,82% so với cuối năm trước, tuy nhiên lại giảm 1,07% so với cuối tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 23/9/2011 tăng 8,16% so với cuối năm trước, tuy nhiên, giảm 0,94% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,49%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2,27%. Tổng phương tiện thanh toán đến 23/9/2011 tăng 8,87% so với cuối năm 2010, tuy nhiên, giảm 0,86% so với tháng trước, trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 0,57% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 2,82%.

Chuyên gia Lê Đức Thúy -  cựu Thống đốc NHNN, cho rằng: NHNN nên tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng lên mức 10% từ mức 3-5% ở mức hiện tại nhằm sử dụng tiền dự trữ để điều tiết cho cả hệ thống.

Vấn đề là một khi vốn huy động đang giảm, tổng phương tiện thanh toán cũng ở mức thấp, thanh khoản của các NHTM nhỏ có nguy cơ cạn kiệt, thì việc tăng dự trữ bắt buộc vào lúc này có thể cũng sẽ là một nhân tố khiến người cho vay (nhưng không phải người cho vay cuối cùng) trên thị trường 2 tiếp tục được hưởng lợi, và đẩy người đi trên thị trường 2 vào vòng xoáy đi vay “nặng lãi”, khó có điểm dừng.

“Bóc ngắn cắn dài” nhưng không… đáng ngại ?

Trong khi đại diện một số NH nhỏ đang tỏ ý phàn nàn các NH lớn nhân cơ hội “bắt chẹt” thì nhiều đại diện NH lớn cho biết việc họ gia tăng LS trên thị trường 2 là dễ hiểu. “Các NH nhỏ quản trị kém, đương nhiên phải chịu một chi phí cao hơn cho đồng vốn. Thị trường liên NH là thị trường phản ánh thực sự, rõ rệt nhất sức khỏe của các NH. Nếu ở đây lại cũng có một trần LS, thì tất cả lại sẽ cào bằng và NHNN làm sao biết được NH nào đang làm ăn yếu kém, đang “bệnh”. Hơn nữa, đây chỉ là việc đáp ứng những nhu cầu trước mắt, ngắn hạn”, Tổng giám đốc một nhà băng nói.

Có lẽ mức “nóng” của LS thị trường 2 cũng chưa hẳn “nóng” đến mức khiến NHNN phải bận tâm. Hoặc mức lãi 30% như nhiều thông tin phản ánh dường như vẫn chỉ là những thỏa thuận đâu đó, không chính thức ở thị trường 2, dưới sự giám sát của NHNN.

Báo cáo về hoạt động của NHNN quý 3/2011, mục “lãi suất liên ngân hàng”, ghi vắn tắt: “Trong quý 3/2011, LS thị trường nội tệ liên ngân hàng có xu hướng giảm; Tuy nhiên trong tuần đầu tháng 9, LS thị trường liên ngân hàng tăng đột biến; NHNN đã kịp thời hỗ trợ thanh khoản tạm thời qua nghiệp vụ thị trường mở, nên LS thị trường nội tệ liên ngân hàng đã giảm dần và có xu hướng ổn định. Hiện LS cho vay qua đêm ở mức 12-13%/năm, 1-2 tuần 13,5-14%/năm, 1 tháng 14,5 -15%/năm”. Trong một bản tin chi tiết từ ngày 10-14/10, NHNN cũng cho biết LS thị trường liên ngân hàng đã tăng 3-3,5% một năm. Đối với kỳ hạn qua đêm, LS khoảng 16-16,5% một năm, kỳ hạn 1 tuần khoảng 17-17,5% một năm và mặc dù có tăng nhưng vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng vẫn đủ khả năng thanh toán.

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận -Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Mở: “Rõ ràng, NHNN có lý do để lạc quan. Con số 40% mức lãi kỳ hạn một tháng mà các NH đưa ra trung tuần tháng 10, chỉ là LS chào, chưa phải là LS trúng thầu và đã có người vay. Người bán hàng có quyền đưa giá cao, còn người mua hàng có quyền mặc cả và chưa chắc đã mua đúng giá bán. Tuy nhiên, ngay cả khi LS chỉ dao động trên dưới 20% thì đó đã là một con số đáng báo động về thanh khoản của các NH. Đặt một bài toán đơn giản: LS huy động đang ở mức 14%. LS đầu ra là 17-19%. Vậy nếu các NH nhỏ phải vay các NH lớn với LS lên đến 20%, họ sẽ lấy gì để cân đối, để trả lãi? NHNN đã nhìn thấy điều đó và những đợt bơm ròng qua kênh tái cấp vốn, chiết khấu giấy tờ có giá đã phần nào có hiệu dụng trong việc hạ nhiệt LS liên NH”.

Nhìn về những tháng cuối năm, triển vọng thanh khoản của các NH nhỏ dường như vẫn là một màu xám. Bên cạnh các kênh đầu tư vàng và ngoại tệ đang có khả năng trở nên hấp dẫn hơn nữa vào quý 4, cũng như mức dao động tỉ giá cũng đã ở thời điểm các DN phải thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ, là các hợp đồng gửi tiền kỳ hạn 3 - 6 tháng tới kỳ đáo hạn. Do đó, không loại trừ lượng vốn huy động sẽ còn tiếp tục giảm và các NH lớn tiếp tục tận dụng thời cơ để nâng LS liên NH lên cao, đồng thời dùng kỹ thuật để chuyển tiền từ thị trường sơ cấp sang thị trường liên NH nhằm cho vay hưởng lãi suất cao. Liệu LS liên NH có thể lập lại kỷ lục cũ 43% năm 2008, thậm chí ghi nhận kỷ lục mới? Một chuyên gia cho rằng chắc chắn NHNN sẽ không để LS liên NH cao quá 3 lần LS huy động của thị trường 1. Còn theo TS. Nguyễn Văn Thuận, biện pháp dễ thấy nhất là tới đây, NHNN sẽ tiếp tục duy trì bơm vốn qua thị trường mở, thông qua các NH quốc doanh để giải cứu cho các NH nhỏ, và giúp các NH này có thể cầm cự cho tới ngày... sáp nhập.