Xã hội
Nói và làm: Đại phẫu gấp những 'công tử' ốm yếu
(VEF.VN) - Khi kinh tế khó khăn mới lộ ra nhiều chuyện mà từ đó, thực chất của mỗi DN được phơi rõ, hoàn toàn không phải như những dự án ngàn tỷ hay những chiến lược phát triển thần tốc mà họ đề ra.


Kinh tế ổn định và phát triển, DN có nhiều thuận lợi để phát triển. Nhờ đó, trong những năm qua, có không ít DN đã nhanh chóng lớn mạnh, tự tin là người đứng hàng đầu thị trường, có sức cạnh tranh tốt, đi đầu về hội nhập. Bởi vậy, ai cũng thủ sẵn trong tay những kế hoạch, dự án hàng ngàn tỷ đồng; rồi tham vọng phát triển về quy mô của DN thành những tập đoàn lớn. Nhưng rồi, khi kinh tế khó khăn, mới lộ ra nhiều chuyện mà từ đó, thực chất của mỗi DN được phơi rõ, hoàn toàn không phải như những dự án ngàn tỷ hay những chiến lược phát triển thần tốc mà họ đề ra.

Một báo cáo về thuế mới đây của quận Hà Đông - Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt DN đang nợ thuế với số tiền lớn đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Thậm chí, có những DN nợ chây ỳ, kéo dài nhiều năm và đang thuộc diện nguy cơ khó đòi. Mở rộng ra trên toàn địa bàn Hà Nội, đó như là một thực trạng chung dễ thấy.

Điều đáng nói, trong số đó có rất nhiều đại gia, DN lớn và cả những công ty nhà nước - vốn được xem là ông lớn trên thị trường, đang sở hữu trong tay nhiều dự án, hàng ngàn hecta đất đai... Nếu cách đây 1 năm, đó thực sự là những thế lực mà nghe đến dự án mà họ đứng tên cũng đã thấy "tầm quan trọng".

Nhưng khi BĐS khó khăn, họ không còn là những đại gia đang nể nữa, những dự án hoành tráng không còn là cái có thể đưa ra để chứng mình năng lực và sự đảm bảo về tài chính nữa.

Có những DN không trả nổi nợ, phải xin miễn giảm thuế hay nhiều cơ chế ưu đãi khác.

Thay vào đó, những DN lớn đó đang trở thành những con nợ đủ đường, những dự án vốn là tài sản và sự kỳ vọng lớn một thời giờ trở thành gánh nặng khó giải đối với DN. Trong khi đó, những thống kê trên sàn chứng khoán cho thấy, hàng loạt DN lớn về BĐS đang gánh trên mình những khoản nợ khổng lồ đến hàng chục ngàn tỷ,  số lỗ cũng ngày càng gia tăng trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng.

Vì thế, mọi sự hoành tráng, tham vọng bây giờ trở nên đơn giản hơn là làm sao bán được hàng và kiếm được tiền để thoát nợ. Nhìn vào thực tế này, các chuyên gia tài chính đã khẳng định, nhiều DN Việt Nam đều có tiềm lực tài chính rất hạn chế. Dù là đại gia nhưng ai nấy đang lo chạy tiền trả lãi lần hồi, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.

Câu chuyện hôm nay, nhớ lại những ngày kinh tế ổn định, thị trường thăng hoa sao mà mọi thứ thất dễ dàng, DN nào cũng có thể nói đến những dự án ngàn tỷ, hướng tới quy mô tập đoàn, đứng hàng đầu thị trường và vươn ra thế giới.

Còn thực tế hôm nay đã là câu trả lời đích xác, đa số DN còn rất hạn chế về năng lực và cạnh tranh. Họ đã vẽ ra nhiều cái to lớn nhưng thực chất thì chưa đủ mạnh hay nói đúng hơn là chưa hề mạnh.

Trong khi đó, tại một diễn đàn về doanh nghiệp nhà nước, những con số thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả... cho đến những hạn chế của các DN lại được đem ra mổ xẻ để tìm rõ căn nguyên và bàn chuyện tái cơ cấu.

Một thực tế được nhắc lại là đằng sau những mô hình DN như tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là một thực tế không mấy vui vẻ khi hiệu quả kinh doanh của các DN này thấp, nhiều DN lớn thua lỗ kéo dài... Thậm chí, có những DN không trả nổi nợ, phải xin miễn giảm thuế hay nhiều cơ chế ưu đãi khác.

Thế nhưng, những DN này vẫn nắm giữ một khối lượng tài sản lớn, được xác lập một vị trí nhiều lợi thế trong kinh doanh. Vì thế, họ vẫn là những ông lớn trong lĩnh vực của mình, được kỳ vọng là trụ cột mạnh về kinh tế. Tuy nhiên, những gì họ thể hiện đều chưa tương xứng. Thực chất, dù có tên gọi và quy mô được xem là lớn nhưng đây chưa hẳn là những DN, có sức cạnh tranh cao và đảm đương tốt đầu đầu phát triển và trụ cột của nền kinh tế.

Chính vì thế, trong cơn khủng hoảng và khó khăn thì các DN này cũng phải lao đao. Không ít trong số đó đáng ra phải đứng ra gánh vác trách nhiệm ổn định, đóng góp phát triển thì lại trở thành những khó khăn khiến nhà nước phải thêm bận tâm. Và dù thế nào thì đó cũng chính là những DN lớn mà không mạnh.

Trải qua khó khăn, các DN dù có tên gọi thế nào, đứng trong mô hình nào, trên lĩnh vực gì cuãng đều phải bộc lộ những điểm hạn chế của mình. Hạn chế cốt yếu nhất chính là năng lực yếu kém cả về tài chính, quản lý, con người...

Chính vì thế, thời điểm này chính là lúc những ông lớn, các đại gia phải tự nhìn lại mình để thấy điểm yếu, lỗ hổng của mình để tìm cách khắc phục, mà cách tốt nhất chính là phải tự nhận ra yếu kém để tìm con đường cho mình để thực sự trở thành những DN lớn và mạnh, trở thành những trụ vững của nền kinh tế trong những lúc khó khăn.

Làm được những việc đó, không còn cách nào khác ngoài tái cơ cấu một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Và chỉ cần dám nhìn nhận đúng, đương đầu khó khăn, dám thay đổi để phát triển cũng đã thể hiện mình đang lớn và mạnh lên.