Xã hội
Xử ngân hàng yếu kém, hạ lãi suất: Bao giờ?

(VEF.VN) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình dù mới "ngồi" lên ghế nóng nhưng ông vẫn tiếp tục đối mặt với những vấn đề cũ: lãi suất cao, chấn chỉnh các ngân hàng yếu kém, điều hành chính sách tiền tệ...


Tái cơ cấu: mới chuẩn bị đề án

Số lượng ngân hàng quá nhiều, nhiều ngân hàng yếu kém, thị trường hỗn loạn và nhiều rủi ro... là vấn đề đã được đặt ra từ lâu đối với ngành ngân hàng. Vì thế, chuyện chấn chỉnh, lập lại kỷ cương thị trường và tái cơ cấu ngân hàng đã nhiều lần được đặt ra.

Tuy nhiên, cho đến gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi những tín hiệu đầu tiên về việc tái cơ cấu các ngân hàng theo hướng tăng cường năng lực, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo không đổ vỡ hệ thống và không ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tái có cấu Ngân hàng đã thực sự trở thành câu chuyện nóng nhất, được các ngân hàng, các chuyên gia và cả thị trường quan tâm và chờ đợi trong hy vọng và lo lắng. Thậm chí, dư luận đã đặt vấn đề bao giờ sẽ bắt đầu và ngân hàng nào sẽ bị xử lý đầu tiên.

Sau thiết lập trật tự lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bínhẽ mạnh tay với các ngân hàng yếu kém?.

Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả mới dừng lại ở những tín hiệu và định hướng. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang bắt tay vào xây dựng Đề án tái cơ cấu để kịp trình chính phủ trong thời gian tới theo yêu cầu.

Với những thông tin phát đi thời gian qua thì có thể thấy, đây là một tiến trình khó có thể đẩy nhanh và chưa thể có kết quả cụ thể trong ngày 1 ngày hai. Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu của quá trình này là tạo ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiệu quả, hoạt động ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, có sức sống và khả năng cạnh tranh tốt trong môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đầy biến động.

Quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện qua ba giai đoạn. Thứ nhất, bảo đảm khả năng chi trả của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống. Hai là cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được duyệt. Giai đoạn cuối là bán, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng. Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được ngành ngân hàng triển khai thận trọng và đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, với sự lo lắng về một hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém, bấp cập và rủi ro đã được chỉ rõ thì sự vận động trên đây có vẻ như chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhất là khi chưa có một đề án, kế hoạch nào cụ thể cho điều đó. Vì thế, chuyện tái cơ cấu ngân hàng chắc sẽ được nhiều đại biểu đặt câu hỏi.

Lãi suất: bao giờ giảm tiếp

Dấu ấn lớn nhất và cũng là thành công được ghi nhận nhất của Tân thống đốc trên cương vị mới là việc lập lại trật tự và kỷ cươn trong lĩnh vực lãi suất. Thực hiện ngiêm trần lãi suất huy động và hạ lãi suất cho vay.

Ngay sau khi nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ hạ lãi suất xuống 17 - 19% đối với khu vực sản xuất. Điều đó gây ra nhiều nghi ngại đối vì lãi suất đó còn thấp hơn cả lãi suất thực tế huy động của các ngân hàng.

Tuy nhiên, sau đó mấy tuần, một loạt biện pháp kỷ luật mạnh đối với cá nhân, ngân hàng và toàn thị trường đã được ban hành để yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng trần lãi suất huy động 14%. Đi kèm đó, Ngân hàng Nhà nước cam kết mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các quy định gây khó khăn và hỗ trợ các ngân hàng để giảm lãi suất.

Ngay trong hội nghị tổng kết công việc 9 tháng đầu năm đã biến thành một diễn đàn trao đổi và truyền đạt những mệnh lệnh của Tân thống đốc. Lập tức, các ngân hàng đều giơ tay đồng ý thực hiện đúng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất.

Nhưng để đảm bảo mệnh lệnh được thực thi ngiêm, một mặt, Thống đốc tăng cường giám sát và xử lý nghiêm những ai vượt trần. Đã có 3 - 4 ngân hàng "dính đòn" nhẹ thì chấn chỉnh, nhắc nhở, nặng thì mất chức lãnh đạo cao cấp, cấm mở chi nhánh, hạn chế tăng tín dụng... khiến các ngân hàng hiểu rằng không thể chỉ hô cho có rồi lại xé rào như trước. Lần đầu tiên kỷ luật lãi suất được giữ nguyên.

Mặt khác, cùng với răn đe về kỷ luật, Thống đốc tập hợp cho mình một lực lượng sức mạnh thông qua cơ chế đối thoại với 12 ngân hàng lớn nhất. Đây là các ngân hàng sẽ tư vấn chính sách và quan trọng hơn là nhóm có sức mạnh chi phối thị trường để biến các chính sách nhanh chóng thành thực tế để tạo ra thế cục mới: không để ngân hàng nhỏ phá thị trường như trước. Cùng với đó, việc tích cực hỗ trợ các ngân hàng khó khăn, định hướng chính sách tín dụng rõ ràng đã khiến làn sóng hạ lãi suất dđược chính các ngân hàng mở rộng thêm.

Lãi suất huy động được thực hiện ngiêm, lãi suất huy động giảm đã ghi dấu thành công bước đầu trong điều hành của tân Thống đốc. Nhưng điều quan trọng hơn, qua đây kỹ luật trên thị trường ngân hàng đã được thực hiện. Cái chợ ngân hàng đã dần được chấn chỉnh và hoạt động đúng quy định hơn.

Cùng với lãi suất, ngoại tệ cũng được điều hành linh hoạt theo hướng thị trường. Cho đến thời điểm này, qua những ngày tăng liên tiếp thì ngoại tệ đã có bước ổn định đáng kể, Thành quả ổn định thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn được tiếp tục.

Tuy nhiên, lãi suất dù giảm nhưng mới bó hẹp trong một số đối tượng hạn hữu, kỳ hạn ngắn. Hơn nữa, lãi suất mức 17 - 19% vẫn còn cao nên tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động các DN. Đặc biệt, trong hoàn cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều vấn đề vĩ mô thì lãi suất cao đang dồn DN đến bước đường khó khăn hơn. Chính vì thế, điều mong muốn tiếp theo là bao giời lãi suất được hạ tiếp.

Nghi ngờ với vàng

Vừa nắm điều hành, Tân Thống đốc đã đối mặt với cơn sốt giá vàng bùng lên mạnh mẽ, dấu hiệu bị làm giá lộ rõ và các DN kinh doanh vàng tỏ ra thách thức với sự điều hành của nhà nước và bỏ mặc quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô để kiếm lợi. Người ta đã kêu ca khan hàng, rồi đẩy giá lên cao hơn thế giới 4 triệu đồng, tạo cơn sốt ảo để thu lợi lớn.

Ra tay với căn bệnh cũ, Tân Thống đốc buộc phải dùng bài cũ đầu tiên đó là cho phép nhập khẩu vàng để ngắt sốt. Tuy nhiên, điều khác là thay vì cho nhập nhỏ giọt và chờ đợi các giấy phép được cấp khá nhanh chóng và Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sắn dàng cho nhập tối đa có thể để đảm bảo không có chuyện thiếu hàng gây tăng giá.

Sau đó một cơ chế bán vàng bình ổn với SJC và 5 ngân hàng được cho phép dùng số vàng trong dân để bán vàng bình ổn, mở lại cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản để cân đối... thực hiện bình ổn vàng theo cách lấy nguồn lực trong nước và hợp lực các DN để bình ổn vàng.

Tiếp theo đó, Nghị định về kinh doanh vàng cũng đã được trình lên Chính phủ với xu hướng coi kinh doanh vàng là một ngành kinh doanh có điều kiện, với các quy định siết chặt và các quy định được tăng cao.

Trải qua mấy tháng ròng thực hiện bình ổn, cho đến thời điểm này, giá vàng trong nước và thế giới vẫn có khoảng cách khá rộng từ 1 -2 triệu đồng, cách xa mục tiêu bình ổn 400 ngàn đồng như dự kiến. Hơn thế, vì bình ổn vàng lại lộ ra chuyện giá USD hai giá vẫn tồn tại trong ngân hàng... Vì thế, cho đến bây giờ , bình ổn giá vàng, đâu là một cách thức tính giá vàng vẫn chưa được minh bạch để có thể coi là thành công.

Trong khi đó, những nghi ngờ quanh chuyện bình ổn giá, những lo ngại từ các quy định kinh doanh vàng gây ra bất lợi cho các DN nhỏ, tập trung độc quyền cho DN lớn lại đang được đặt ra. Cho nên vàng và bình ổn giá vàng vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết. Tất cả vẫn đang chờ đợi và nghi ngại về những chính sách điều này này. Đây chính là những câu hỏi lớn cho Ngân hàng Nhà nước.

Chính sách tiền tệ: nới lỏng?

Cuối tuần trước, một chỉ đạo về tình hình tín dụng cuối năm đã được phát đi, Ngân hàng Nhà nước một mặt khẳng định chính sách chặt chẽ để thực hiện mục tiêu chống lạm phát ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, cuối chỉ đạo lại có những tín hiệu nới lỏng cho BĐS.

Cụ thể, bốn nhóm BĐS đã được loại trừ khỏi phi sản xuất trong điều kiện nhiều DN BĐS đang kêu ca thiếu vốn, Bộ Xây dựng nhiều lần lên tiếng về gỡ khó khăn về vốn cho một số loại hình BĐS, còn bản thân các ngân hàng đang lúng túng với việc đưa tín dụng phí sản xuất xuống thấp hơn.

Mới nhất, Thống đốc lại phát đi các tín hiệu về tiền tệ 2012, theo đó, việc điều hành chặt chẽ đã được xác định là sẽ tiếp tục cùng với sự linh hoạt theo thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại tiếp tục có những định hướng dễ chịu hơn trong việc giảm lãi suất và nới cho vay tín dụng BĐS và tiêu dùng....

Có nhiều cách để lý giải của các bên nhưng vấn đề là sau 9 tháng thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh những thành quả về chống lạm phát thì cũng có những khó khăn nảy sinh như chứng khoán đi xuống, BĐS khó khăn, một bộ phận DN có thể phá sản... Phải chăng đó là sức ép khiên việc điều hành phải lơi tay?

Điều hành tiền tệ 2012 sẽ như thế nào và liệu có nới ra quá sớm khi yêu cầu chống lạm phát và ổn định vĩ mô vẫn được đặt ra. Và bài học những năm trước vẫn còn nguyên mới khi chúng ta nới lỏng tiền tệ sớm gây ra những phản ứng ngược về lạm phát và bất ổn. Đó hẳn là thách thức lớn và là một mối quan tâm thường trực.