Xã hội
Petrolimex lỗ 516 tỷ do 'loạn' chi hoa hồng
(VEF.VN) - Bộ Tài chính làm sáng tỏ, bản chất các khoản hàng trăm tỷ đồng lỗ của doanh nghiệp xăng dầu đều có lý do từ việc "loạn" chi hoa hồng cho đại lý. Nếu làm đúng quy định, các công ty vẫn lãi.


Sáng nay, 19/12, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá xăng dầu tại 4 doanh nghiệp gồm: Petrolimex, SaigonPetro, PVOil và Petimex. Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề lãi- lỗ của doanh nghiệp xăng dầu được soi xét kỹ càng, so sánh giữa việc doanh nghiệp báo cáo và thực hư tình hình.

Giảm giá xăng dầu: không oan cho DN

Cuộc tranh cãi về lãi - lỗ xăng dầu giữa hai bộ Tài chính - Công Thương hồi tháng 9 liên quan mật thiết tới việc giảm giá xăng dầu hôm 26/8/2011. Khi đó, Bộ Công Thương và doanh nghiệp đều kêu kinh doanh đang lỗ lớn trong khi Bộ Tài chính nói là đã có lãi và đủ điều kiện giảm giá.

Cuộc điều tra của Bộ Tài chính đã cho kết quả: các doanh nghiệp đều có lãi hoặc cơ bản là không lỗ.

Cụ thể như từ 1/7 đến 26/8, kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex báo cáo lãi 130 tỷ đồng. SaigonPetro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì đơn vị này lại có lãi tới 48 tỷ đồng.

Công ty TM Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) báo cáo lỗ 55,24 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện đúng chi phí kinh doanh theo định mức thì công ty này có lãi tới 22 tỷ đồng.

Kiểm tra giá vốn thực tế từng mặt hàng tại thời điểm 26/8 và kết quả lãi lỗ cụ thể từng mặt hàng xăng dầu, kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cũng cho thấy, nếu không đưa vào 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, chỉ trừ Petimex, 3 doanh nghiệp lớn còn lại vẫn có lãi.

Ví dụ như ở mặt hàng xăng A92 và dầu diesel, Tổng công ty Petrolimex lãi lần lượt là 202/lít và 540 đồng/lít. SaigonPetro lãi 232 đồng/lít và 422 đồng/lít, PVOil lãi 374,6 đồng/lít và 600,33 đồng. Bộ Tài chính đánh giá, riêng đơn vị PVOil lãi rất lớn nên sau khi Bộ yêu cầu giảm giá, doanh nghiệp này vẫn còn có lãi từ 300- 569 đồng ở mặt hàng dầu diesel, đủ để bù đắp cho mặt hàng xăng.

Riêng Petimex là đơn vị duy nhất bị lỗ với mức lỗ 216 đồng/lít xăng và 156 đồng/lít dầu diesel.

Bộ Tài chính đã nhận định, do chênh lệch tỷ giá phát sinh nên mặc dù các doanh nghiệp có lãi, nhưng không phải là lãi lớn. Nếu doanh nghiệp "chi" đúng các mức chi phí kinh doanh như thù lao đại lý... thì hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đơn vị sẽ đều có kết quả lãi, ngoại trừ xăng A95.

Một lần nữa, bộ Tài chính khẳng định, việc giảm giá xăng tại thời điểm 26/8 trước đây là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở và thực hiện đúng Nghị định 11. Nhờ đó, chi số giá tiêu dùng các tháng gần đây đã giảm, góp phần giảm lạm phát.

Lỗ ít hơn báo cáo 500 tỷ đồng

Bức tranh tài chính của 4 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay đã được công bố khá rõ ràng.

Theo đó, Petrolimex chỉ lỗ 1.318 tỷ đồng thay vì mức lỗ 1.800 tỷ đồng như con số công bố trước đây. Nguyên nhân sai lệch này là bởi, khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Petrolimex đã cao vượt mức quy định tới hơn 516 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, tổng chi phí kinh doanh thực tế phát sinh của Petrolimex  lên tới hơn 3.028 tỷ đồng trong khi , nếu đúng quy định, tổng mức này sẽ chỉ là 2.512 tỷ đồng. Chi phí thù lao cho đại lý thiên biến vạn hóa, thay đổi theo nhiều thời điểm, thấp nhất là 210 đồng/lít và 130 đồng/lít dầu diesel, có lúc cao nhất là 630 đồng/lít đối với xăng và 830 đồng/lít đối với dầu diesel.

Tình trạng vượt chi phí định mức dẫn tới kết quả kinh doanh lỗ này cũng diễn ra ở các doanh nghiệp xăng dầu còn lại.

Tại PVOil, sau kiểm tra, Bộ Tài chính cho hay đơn vị chỉ lỗ 346 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm thay vì lỗ 494 tỷ đồng. Trong đó, PVOil đã chi vượt mức quy định về chi phí kinh doanh xăng dầu là382 tỷ đồng. Trung bình mỗi lít xăng dầu, đơn vị này chi tăng tới 239 đồng/lít so với mức Nhà nước quy định.

Ngoài ra, tổng công ty này đã có những khoản chi không hợp lý, chưa đủ cơ sở để đưa vào hạch toán như chi phí tài chính với khoản chênh lệch tỷ giá mua condesat chưa có chứng từ, khoản trích lập quỹ dự phòng không đúng qui định, khoản chi kkhông liên quan đến hoạt động kinh doanh như ủng hộ, xây nhà tình nghĩa, chi phí bán hàng.

Trong khi đó, Bộ Tài chính còn phát hiện đơn vị này có doanh thu tăng hơn 33.000 tỷ đồng so với số liệu báo cáo.

Với công ty xăng dầu lớn thứ 2 là SaigonPetro, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm lại rất lạc quan, với tổng lợi nhuận trước thuế sau khi kiểm tra là hơn 156 tỷ đồng. Riêng kinh doanh xăng tái xuất, đơn vị này lãi tới 158 tỷ đồng, nhưng kinh doanh tiêu thụ nội địa, đơn vị này lại lỗ hơn 7,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguyên nhân lỗ ở thị trường nội địa của đơn vị này chủ yếu là từ chênh lệch tỷ giá, lỗ hơn 47,257 tỷ đồng, chiếm hơn 13% chi phí kinh doanh. Chi phí kinh doanh của SaigonPetro cũng cao hơn định mức tới 75 tỷ đồng.

Nếu loại trừ 2 yếu tố trên, chi đúng định mức thì Saigon Pero đã có thể lãi tới hơn 21 tỷ đồng kinh doanh xăng dầu nội địa.

Doanh nghiệp phải tự trang trải

Trả lời câu hỏi, liệu người tiêu dùng đã chịu thiệt hại như thế nào trong  vụ việc này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, người tiêu dùng không thiệt, Nhà nước cũng không phải bù đắp, chỉ có doanh nghiệp phải tự lo trang trải mọi thứ.

Cắt nghĩa việc này, ông Thỏa cho biết, do giá xăng dầu bán lẻ vẫn do Nhà nước chi phối, khống chế nên người tiêu dùng vẫn được hưởng mức giá xăng dầu được tính theo công thức giá cơ sở như  Bộ quy định. Khi đầu ra không tăng, các doanh nghiệp tăng chi phí kinh doanh nhiều lên thì doanh nghiệp sẽ phải tự gánh chịu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của doanh nghiệp và Bộ Công Thương đều cho rằng, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu là 600 đồng/lít, từ năm 2009 đến nay đã quá lỗi thời. Trên thực tế, các doanh nghiệp buộc phải tăng khoản này để duy trì hệ thống, nếu không, sẽ "vỡ" hệ thống xăng dầu.

Trước ý kiến này, bà Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có hai quy định liên quan tới thù lao đại lý. Thông tư 36 của Bộ Công Thương không còn quy định về mức thù lao mà cho phép các doanh nghiệp tự thỏa thuận chi phí này với các đại lý. Nhưng ở Thông tư 234 của Bộ Tài chính thì có quy định "cứng" để tính giá cơ sở xăng dầu.

Khi kiểm tra thực tế, có doanh nghiệp có giai đoạn chỉ chi 100 đồng/lít, cũng có giai đoạn phải chi lên tới 1000 đồng/lít. Trong khi có nhiều giai đoạn người tiêu dùng đã chia sẻ với doanh nghiệp khi tăng giá, thì đáng lẽ, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với người dân hơn, bằng việc tiết giảm chi phí, thay vì để mức này tăng cao như vậy.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng phân tích, mục đích Bộ phải khống chế mức 600 đồng/lít kinh doanh định mức là bởi, đặc thù thị trường xăng dầu vẫn còn doanh nghiệp chi phối thị trường, thống lĩnh. Việc khống chế này để tạo áp lực cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp.

Thực tế tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét đi khảo sát thêm chi phí này để có đánh giá điều chỉnh hợp lý, bà Mai cho biết.